Sau khi bạn đã sẵn sàng tham gia ngành quảng cáo, sau khi cảm thấy thú vị và tầm quan trọng của sự thành công trong câu chuyện quảng cáo thành công của chiếc xe ô tô huyền thoại Con bọ hay những đôi giày thể thao mang nhãn hiệu Nike và giờ là lúc chúng ta nên hiểu rõ thêm về ngành quảng cáo có thực sự hấp dẫn đến vậy? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé
Khái niệm về quảng cáo
Trở về nguồn gốc của từ “quảng cáo” trong ngôn ngữ La tinh “Advertere”, chúng ta có một khám phá rất thú vị:
- “Ad” nghĩa là hướng về một cái gì đó
- “Vertere” có nghĩa là trở lại.
Như vậy, bạn có thể hiểu quảng cáo là hướng tâm trí công chúng về một sản phẩm, dịch vụ hay một tư tưởng, để từ đó công chúng ưa thích và mua sắm sản phẩm dịch vụ đó.
Sau này, khi quảng cáo đã phát triển thành một ngành công nghiệp hùng mạnh và phổ biến trên toàn cầu, các nhà nghiên cứu về quảng cáo cũng đưa ra những khái niệm không xa bao nhiêu so với từ “quảng cáo” nguyên thủy trong ngôn ngữ La tinh.
Từ điển Oxford, Nhà xuất bản Đại học tổng hợp Oxford năm 1995 định nghĩa:
“Quảng cáo là mô tả sản phẩm hay dịch vụ để thuyết phục người ta mua hay sử dụng”.
Cụ thể hơn, hiệp hội Marketing Mỹ (AMA) phát biểu: “Quảng cáo là bất cứ sự hiện diện của loại hình không trực tiếp nào của hàng hóa, dịch vụ, ý đồ, ý tưởng v.v..thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mà người ta phải trả tiền để nhận biết người quảng cáo”.
Ở Việt Nam, mặc dù quảng cáo mới xuất hiện hơn mười năm nay, nhưng chúng ta cũng có nghị định 194 CP của Chính phủ Việt Nam (ban hành ngày 31/12/1994) về hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó quy định rõ: “Hoạt động quảng cáo bao gồm việc giới thiệu và thông báo về doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi, biểu tượng theo nhu cầu hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”.