Theo quy định, mỗi cửa hàng kinh doanh, sản xuất chỉ treo một biển hiệu, nhưng gần như mỗi nơi đều chồng chéo đủ thứ loại biển quảng cáo. Với lại, còn có một tâm lý mê tín là đang kinh doanh tiến triển mà thay đổi biển hiệu thì biến hên thành xui, nên chả ai buồn sửa sang. Nhiều hộ kinh doanh chấp nhận nộp phạt từ 200 đến 300 nghìn đồng rồi để bảng hiệu y như cũ.
Cuộc chiến với bảng hiệu
Nhìn chung, cuộc chiến của các bảng hiệu bát nháo trên mặt tiền nhà phố vẫn khó có thể hạ nhiệt được. Ở một vài nơi trong thành phố, để khắc phục tình trạng dưới cột bảng hiệu người ta xả rác bừa bãi, có ý kiến cho rằng nên đặt ở đấy một... thùng rác. Song cũng có vị quan chức Thành Phố sợ rằng người qua đường không ném rác vào chính thùng rác, mà ném lung tung xung quanh. Cuối cùng, người ta bàn cách trồng bãi cỏ, đặt chậu hoa ngay tại đó.
Cùng với đó, các biển quảng cáo tận dụng từng khoảng trống để “chen thân” vào gây tình trạng hỗn loạn thông tin và làm mất thẩm mỹ. Tuy nhiên, chế tài vẫn chưa đến mức xứng đáng để các hộ kinh doanh phải thay đổi theo đúng quy định.
Quảng cáo mọi lúc, mọi nơi
Ngày nay, việc quảng bá nhãn hiệu trên các phương tiện truyền thông hay nơi công cộng không còn là vấn đề mới. Nhiều nhà tài trợ đã bắt đầu nhận ra rằng, trường học là mảnh đất lý tưởng cho việc tác động lên trí não non nớt của học trò những làn sóng hình ảnh sản phẩm quảng cáo ồ ạt đã đổ về đây.
Khi sở VHTT đề nghị tháo gỡ, nhiều nơi không buồn quan tâm hay thậm chí không dám tháo gỡ vì lo cắt tài trợ. Khi môi trường giáo dục chịu tác động của làn sóng quảng cáo, thì có thể nói, chốn bình yên nhất cũng bị xáo trộn bởi những lời chào mời khuyến mãi đặc trưng của thời đại tiêu dùng.
Cùng với đó, thời gian gần đây xuất hiện nhiều chiếc xe đạp đôi mang logo của doanh nghiệp đi khắp các tuyến phố. Những đoàn xe 3-4 chiếc chở các cô người mẫu chân dài ăn mặc kỳ quái đi một vòng khắp phố xá trong ngày nghỉ, đánh vào tâm lý của dân ghiền rượu và thuốc lá (vốn là hai thứ cấm quảng cáo).
Đó là chưa kể những hình thức tận dụng quảng cáo quá lố, dùng hình ảnh phản cảm để gây ấn tượng với người tiêu dùng. Những sản phẩm nhạy cảm cũng được quảng cáo rầm rộ không chút ngại ngùng.
Cho dù tăng cường kiểm tra, chính Sở VHTT cũng làm không xuể phần việc giám sát tình hình làm biển quảng cáo trên các bảng hiệu. Để chấm dứt tình trạng quảng cáo tràn lan, thiếu văn hóa như hiện nay, người kinh doanh cần tự giác, có ý thức với hình ảnh của mình và hướng đến những giá trị thẩm mỹ và chất lượng hơn là sự tràn lan.